Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2020

Giao dịch trầm lắng, giá nhà đất vùng ven trung tâm Tp.HCM hiện giờ ra sao?

Posted by phadahousing On 18:00 0 nhận xét

Dù thị trường chững giao dịch nhưng thực tế giá BĐS tại một số khu vực Tp.HCM vẫn khá cao. Trong đó, có trường hợp nhà đầu tư (NĐT) vẫn hét giá đất nền, nhà phố xây sẵn lên mức cao dù không có giao dịch.


Bên cạnh các nền đất, nhà phố có hiện tượng giảm giá so với mức chào bán thời điểm trước đó thì hầu hết giá nhà đất tại Tp.HCM vẫn cách xa so với nhu cầu ở thực của số đông khách mua.


Chị Hạnh, ngụ Q.7, Tp.HCM cho biết, thấy thị trường có hiện tượng chững lại nên vợ chồng đi tìm mua nhà đất tại Q.9 nhưng thực tế tìm suốt tháng qua, chị vẫn chưa chốt được vì giá cao. Những lô đất môi giới nói giảm giá thực chất là trong hẻm ụt hoặc vướng cột điện/cống nước.
Nên vợ chồng chị ưng ý thì giá vẫn rất cao, có những nền giá vẫn chênh so với thời điểm Tết khoảng 80-100 triệu đồng, không có hiện tượng giảm giá. Chị Hạnh cho biết, nền đất diện tích 52m2, NĐT đưa ra giá 2.3-2.4 tỉ đồng/nền, tính ra 45 triệu đồng/m2, trong khi cùng kì năm ngoái giá chỉ khoảng 35-36 triệu đồng/m2.


Tương tự, tại huyện Hóc Môn, Củ Chi mặc dù thời gian qua khi nhận tình hình giao dịch khá yên ắng nhưng giá nhà đất tại khu vực này vẫn âm thầm tăng. Giá nhà đất tại các khu vực này hiện dao động ở mức 20-30 triệu đồng/m2 (tùy vị trí), có những nền đất thổ cư mặt tiền đường lớn giá cán mốc 40-50 triệu đồng/m2.

Mức giá này so với thời điểm tháng 2/2019 tăng khoảng 15%. Môi giới khu vực này cho biết, dù thị trường chậm lại nhưng đất thổ cư vẫn thiết lập mặt bằng giá mới, không có hiện tượng xuống giá. Có chăng, những nền giảm giá khoảng 100-200 triệu đồng là đa số của NĐT cần tiền gấp nên bán ra hoặc nằm ở vị trí xấu, đường nhỏ.


Tìm hiểu được biết, một số NĐT xây nhà sẵn trên đất rồi rao bán với giá khá cao. Một căn nhà một trệt 2 lầu tại khu vực P.Long Trường, Long Phước (Q.9) hiện nhiều NĐT “hét giá” từ 3.5- 4 tỉ đồng/căn. Trước đó, khoảng tháng 6/2019, giá các căn nhà xây sẵn này rơi vào khoảng 2.6-3 tỉ đồng/căn cho các căn cùng diện tích.

Theo cách của các NĐT này nói, dù thị trường chậm nhưng không thể hạ giá nhà đất. Một số NĐT vẫn căn cứ vào mức độ tăng giá của đất thời điểm trước để gắn giá vào ngôi nhà đang xây của mình. Một số NĐT cho biết, dù giá hiện tại có thể chưa đến mức đó hoặc thị trường đang chậm nhưng họ vẫn rao bán giá kì vọng khá cao. Một số khác đầu tư thêm các hạng mục khác trong căn nhà để chào bán, dù không có khách hỏi họ vẫn khăng khăng giữ mức giá cũ đã rao trước đó.

Giao dịch trầm lắng, giá nhà đất vùng ven trung tâm Tp.HCM hiện giờ ra sao? - Ảnh 1.

Theo một số người mua thực, giá bán đất nền, nhà phố ở khu vực ven Sài Gòn có hiện tượng “loạn giá”, mỗi NĐT bán mỗi giá. Có khi cùng vị trí, diện tích có thể chênh nhau đến cả 200 triệu đồng. Thậm chí, có trường hợp NĐT chưa muốn bán ra nhưng vẫn gửi môi giới và “hét” giá cao. Nếu khách ưng ý thì chốt với giá cao hơn so với giá thị trường và so với giá kì vọng trước đó.

Theo ghi nhận tại khu ven Tp.HCM ở thời điểm này, giao dịch mua bán nhà đất khá im ắng, phần lớn là do giá nhà đất đã tăng khá cao, vượt xa tài chính của số đông người mua ở thực, trong khi NĐT cũng không còn mặn mà vì biên độ tăng giá sẽ không còn cao. Hiện tại, một số người mua ở thực nhân lúc thị trường được xem là yên ắng đã đi tìm mua đất với hi vọng giá sẽ ổn định. Tuy nhiên, để chốt được nền đất với mức giá trên dưới 3 tỉ đồng/nền là khó khăn với môi giới ở thời điểm này.

Theo các NĐT, có thể sau đợt dịch này giá đất ven TP sẽ vẫn tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới. Theo đó, một số NĐT họ vẫn để giá cao và chưa muốn chốt lời ở thời điểm này.

Theo các môi giới, dịch Covid-19 chỉ ảnh hưởng một phần đến giao dịch của BĐS vùng ven Tp.HCM. Thực tế, khoảng hơn một năm trở lại đây giao dịch BĐS Tp.HCM đã chậm lại rõ nét sau suốt thời gian dài nóng sốt. Giá vẫn âm thầm tăng nhưng lượng người mua đã giảm. Những nền đất cũ vẫn được mua đi bán lại nhiều lần, tuy nhiên nhìn chung biên độ lợi nhuận đã giảm hơn nhiều so với cách đây 2 - 3 năm về trước.

Hạ Vy

Theo Nhịp sống kinh tế

0 nhận xét:

Đăng nhận xét